Chồng chị Quế đường đường là con trai duy nhất của ông bà nhưng bố mẹ chồng chị chẳng coi ra “kí lô” nào, tình cảm và cả vật chất đều dành cho 2 người con gái, là em gái và chị gái anh Quang.
Có bố mẹ chồng thiên vị chị và em gái chồng rất nhiều, trong khi ấy lại thờ ơ lạnh nhạt với con trai và con dâu, chị Quế (Tân Bình, TP HCM) nhiều khi ấm ức mà không biết nói với ai.
Chị kết hôn với anh Quang đã 3 năm nay và có một con gái nhỏ hơn 1 tuổi. Chừng ấy thời gian về làm dâu nhà anh, chị đã chứng kiến rất nhiều lần thiên vị con gái của bố mẹ chồng. Chồng chị Quế đường đường là con trai duy nhất của ông bà nhưng ông bà chẳng coi ra “kí lô” nào, tình cảm và cả vật chất đều dành cho 2 người con gái, là em gái và chị gái anh Quang.
Chị Quế tâm sự với chúng tôi: “Ông bà ở với vợ chồng mình nhưng tâm hồn thì lúc nào cũng để ở chị gái với em gái chồng. Ai đời, ông bà tuyên bố thẳng thừng, hiện tại ông bà còn ở với mình thì căn nhà vẫn cho bọn mình ở cùng nhưng khi nào ông bà chết đi thì căn nhà sẽ được bán và chia đôi, chính là cho 2 cô con gái của ông bà. Còn vợ chồng mình được ông bà thông báo sẽ để lại cho cái sổ tiết kiệm lương hưu của ông bà. Mà tài khoản trong cái sổ ấy thì có bao giờ được mấy đồng vì có bao nhiêu ông bà rút ra tiêu bấy nhiêu”.
“Mình cũng tự nhủ, thôi thì của ông bà thì ông bà cho ai là quyền của ông bà. Bọn mình xác định là sẽ tự lập nên không tơ hào gì cả” – chị Quế cũng phân trần.
Nhưng điều khiến chị Quế ấm ức là vợ chồng chị đã không một lời tranh giành của cải gì cả nhưng như thế cũng không xong. Chị thấy không phục vì quyền lợi thì vợ chồng không được gì nhưng trách nhiệm thì lại có rất nhiều.
Chị kể: “Lương hưu cả 2 ông bà lĩnh đều mỗi tháng nhưng bọn mình vẫn phải nuôi ông bà 100% mà không có giúp đỡ gì. Nói ra thì bảo mình quá tính toán vì dù sao cũng là bố mẹ chồng, nhưng bọn mình cũng có dư dả gì cho cam, lại còn lo cho con nhỏ nữa.
Không những thế, mỗi khi ông bà cần mua món gì, hay đau ốm thuốc men gì, rõ ràng ông bà có lương hưu tiết kiệm nhưng lại không hề bỏ ra chi tiêu mà toàn gọi chồng mình hỏi tiền. Còn tiền của ông bà thì ông bà để cho các con gái và cháu ngoại. Con gái mình, ông bà hiếm khi mua gì cho cháu nhưng cháu ngoại ông bà thì ông bà săn sóc chu đáo, đồ sơ sinh mua cho từ khi chưa sinh. Tết nhất, ông bà luôn mừng tuổi rất hậu hĩnh cho cháu ngoại mà quên rằng, cháu nội ông bà cũng là cháu trong khi chưa được đồng lì xì nào”.
Chị Quế kể rằng, có lần, chị đã nghe thấy mẹ chồng nói chuyện với các bà hàng xóm rằng, sẽ không cho gì con trai cả vì cho con trai là sau này con dâu sẽ được hưởng hết. “Con dâu là người ngoài, con gái mới là con của của tôi! Chả lẽ lại để cho người ngoài hưởng còn người nhà mình chịu thiệt thòi! Con dâu về nhà chồng phải có nghĩa vụ chăm lo cho bố mẹ chồng đến lúc chết bất kể bố mẹ chồng có để lại cho cái gì hay không. Còn tài sản của tôi thì tôi cho ai là quyền của tôi, cấm có thắc mắc!” – mẹ chồng chị Quế đã tuyên bố hùng hổ, nguyên văn như thế.
Chị chán nản: “Kể về sự kì thị con trai của bố mẹ chồng thì rất nhiều chuyện, có kể cả ngày cũng không hết được! Mình thật sự không hiểu nổi suy nghĩ của mẹ chồng nữa. Mình thấy rất buồn và nhiều khi thấy ấm ức lắm nhưng vì chồng, vì hòa khí gia đình, mình lại im lặng cho qua!”.
Chị Lan Anh (Từ Liêm, Hà Nội) cũng có cảnh ngộ khá giống chị Quế khi căn nhà của vợ chồng chị đang ở hiện tại với bố mẹ chồng lại mang tên cô em gái của anh Bình – chồng chị.
“Mình thì không tham những của cải đó vì mình luôn nghĩ tiền mình làm ra thì mình tiêu mới là thoải mái nhất. Vì thế mình rất vui vẻ, xác định khi nào ông bà không còn nữa thì 2 vợ chồng mình ra ngoài ở cũng không sao” – chị bình thản nói.
Nhưng theo như chị giãi này thì điều khiến chị không vui là cứ có khách đến nhà là bố chồng chị lại lớn tiếng thông báo: “Cái nhà này tôi để cho con gái rượu của tôi toàn bộ đấy, con trai quý tử cũng đừng có mơ mà động vào được một góc!”.
“Ông cứ làm như bọn mình tham nhà của ông bà lắm ấy! Ông còn bảo: ‘Tiếc là không giúp được cho con gái nhiều, nếu có 2 mảnh đất thì cũng bán đi một mảnh mua cho con gái cái ô tô rồi!’. Đến đây thì mình thấy hơi nực cười vì hình như trong mắt ông chỉ có con gái, còn người con trai và con dâu đang hàng ngày chăm sóc ông thì ông coi như không có!” – chị Lan Anh bức xúc.
Chị kể tiếp về mẹ chồng: “Mẹ chồng mình nữa, cái gì cũng chỉ lo cho con gái, xót con gái mà thôi, còn con trai thì chẳng là gì, huống chi con dâu là mình thật chẳng mong được bà để vào mắt. Em gái chồng sinh con, bà đến trông nom, chăm bẵm cho cẩn thận, còn đón cả mẹ con em ấy về nhà chăm sóc mới yên tâm. Mình cũng sinh con, mẹ chồng trông cho chưa nổi chục ngày đã bảo: ‘Mẹ mệt, muốn nghỉ ngơi, con tự lo cho cháu nhé!’. Bà biết thừa mình làm sao tự lo được, thuê osin thì không có điều kiện”.
Chị Lan Anh giãi bày rằng chị thấy hơi bất công và không hài lòng lắm khi vợ chồng chị ở với bố mẹ chồng đã không được ông bà vun vén hay cho quyền lợi gì nhưng hễ cứ có việc gì là chỉ có gọi nhà chị. Ông bà ốm đau, chi tiêu hay xây mộ các cụ ở quê thì cứ đầu con trai mà “gõ”.
Chị nói, mẹ chồng chị khi thấy chị tỏ ý không vui thì đã bảo thẳng vào mặt chị rằng: “Chị về nhà này thì đừng có thái độ so bì tị nạnh nhé! Con gái nó đi lấy chồng là lo việc nhà chồng, không phải lo việc nhà mình. Nghĩa vụ, trách nhiệm với bố mẹ và họ hàng đều là của con trai. Nhà ai cũng thế thôi, chị về làm dâu chị phải chấp nhận, còn không chấp nhận được thì chỉ có nước ở vậy đừng có lấy chồng! Chúng tôi đã bỏ tiền cưới chị về thì chị phải hiểu được phận làm dâu là phải thế nào chứ?”.
“Mình thừa nhận, xã hội Việt Nam mình đa phần là thế, nhưng mức độ thiên vị quá lệch như bố mẹ chồng mình thì chắc là không nhiều. Bố mẹ mình mà mình còn chưa báo đáp được ngày nào tại sao nhiều người cứ thích trao cho con dâu những trách nhiệm nặng nề với nhà chồng, mà cụ thể là bố mẹ chồng như vậy? Bây giờ mình còn nhẫn nhịn được nhưng không biết có thể kéo dài được bao lâu nữa” – chị Q.T. chán nản bày tỏ.
Theo: PLXH